Estrogen có vai trò quyết định giới tính, sinh dục, sinh sản, sức khỏe của người phụ nữ. Thiếu hay thừa estrogen sẽ gây nên những rối loạn. Vậy các thuốc chứa estrogen được dùng khi nào và ngoài lợi ích cần chú ý tới những nguy cơ do thuốc gây ra...
Dùng chữa thống kinh, rong kinh
Lứa tuổi mới lớn, khi hành kinh có trường hợp bị đau quặn thắt ở vùng bụng (đôi khi kèm đau lưng, nhức đầu, tiêu chảy) gọi là thống kinh. Nguyên nhân, do niêm mạc tử cung tiết ra nhiều prostaglandin từ giai đoạn tăng sinh và cao nhất ở giai đoạn chế tiết cuối cùng vòng kinh gây co thắt mạnh. Dùng estrogen (viên thuốc tránh thai marvelon, rigevelon) sẽ làm cho sự phát triển niêm mạc tử cung kém đi, ức chế tổng hợp prostaglandin, làm giảm đau.
Trường hợp rong kinh do rối loạn nội tiết có thể dùng viên tránh thai có chứa estrogen nhằm tạo ra sự cân đối estrogen và progesteron tương tự như chu kỳ kinh sinh lý. Muốn hiệu quả, phải dùng đúng liều, đúng lúc. Cần dùng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng liều cao thì chu kỳ kinh sau khi dùng thuốc sẽ bị chảy máu nhiều.
Thuốc tránh thai là thuốc có chứa estrogen.
|
Đưa estrogen, progesteron vào chu kỳ kinh, tạo ra nồng độ cao hai chất này ở thời kỳ phóng noãn, gây ra tình trạng có thai giả. Do đó, buồng trứng không phóng noãn, tránh được sự thụ thai thật. Do bắt chước gần giống hiện tượng có thai sinh lý, thuốc tránh thai có tính an toàn cao. Tuy nhiên, estrogen trong thuốc tránh thai (nhất là trong loại có hàm lượng estrogen cao) gây một số tác dụng phụ: ở người đã có bệnh tim mạch, dùng estrogen sẽ làm tăng các biến chứng của bệnh tim mạch (gây huyết khối, thuyên tắc mạch, dẫn đến thiếu máu cục bộ tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não). Dùng estrogen liều cao kéo dài cũng dễ gây ra điều này. Cường giáp gây ảnh hưởng xấu đến tim mạch. Ngoài ra, có thể gây giữ nước sẽ làm tăng cân, sỏi mật, làm cho khối u phát triển nhanh hơn...
Vì vậy, không được dùng thuốc tránh thai cho những người: ung thư hay có khối u lành tính (đặc biệt ở vú, cổ tử cung), rối loạn đông máu (huyết khối, nghẽn mạch, tắc tĩnh mạch, xuất huyết âm đạo chưa rõ nguyên nhân), các bệnh tim mạch (dễ có nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim) rối loạn lipid máu (béo phì, lượng cholesterol cao), cường giáp , bệnh gan mật (dễ gây sỏi mật).
Với người khỏe mạnh cũng chỉ nên dùng thuốc tránh thai khi còn trẻ trong thời gian ngắn. Khi tuổi trên 40 (có nguy cơ bị bệnh ung thư vú, tim mạch), không nên dùng. Nếu vì điều kiện phải dùng thì chọn loại nồng độ estrogen thấp.
Thuốc tránh thai khẩn cấp có hàm lượng estrogen cao (ví dụ viên ovral chứa tới 50mg ethynilestradiol) nên có chống chỉ định như viên tránh thai. Mỗi tháng không dùng quá 4 lần; nếu dùng liên tục còn nguy hiểm hơn (do nồng độ ethynil estradilol cao).
Dùng hormon estrogen lúc mãn kinh?
- Không dùng đại trà HRT cho nữ mãn kinh mà chỉ dùng cho những người có các triệu chứng khó chịu nặng, không tự vượt qua được.
- Estrogen làm chậm tiến trình xơ vữa động mạch ở giai đoạn sớm, nếu dùng HRT cho người mới mãn kinh sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ tim mạch. Nhưng ở giai đoạn xơ vữa động mạch đã phát triển thì estrogen làm cho xơ vữa mỏng manh, dễ vỡ hơn, gây huyết khối thuyên tắc mạch, nếu dùng HRT cho người mãn kinh đã lâu (tuổi cao) sẽ dễ gây ra các tai biến này. Hơn nữa, “triệu chứng khó chịu” chỉ xuất hiện, đạt đỉnh cao trong khoảng 2 - 3 năm đầu mãn kinh, về sau sẽ hết. Vì vậy chỉ dùng HRT trong thời gian ngắn (nhiều nhất là 3 năm) cho người mới mãn kinh, không dùng cho người mãn kinh đã lâu (cao tuổi)...
- Nếu triệu chứng không nặng (bốc hỏa ít, chỉ khô mà không teo âm đạo) thì chưa cần thiết dùng HRT mà chỉ nên dùng estrogen dạng bôi hay dạng trứng.
Những người không được dùng thuốc tránh thai (nói trên) cũng thuộc diện những người không được dùng HRT.
Estrogen với xương
Estrogen giúp tạo xương, thiếu chúng trong thời kỳ mãn kinh sẽ gây bệnh loãng xương. Nhưng estrogen lại làm tăng nhanh sự cốt hóa các đầu xương. Trong thời kỳ phát triển xương (dưới 20 tuổi) nếu dùng estrogen (trong thuốc chữa chậm dậy thì hay thuốc tránh thai) kéo dài sẽ làm các đầu xương cốt hóa nhanh, khó cao lên được. Cần chú ý đến tai biến này để tránh.
Bổ sung estrogen khi thiếu tuy phù hợp với nhu cầu sinh lý nhưng trong mọi trường hợp cần cân nhắc khi chỉ định và liều lượng.
DS. Bùi Văn Uy
- Tác dụng chữa bệnh của nước
- Thuốc trị bệnh viêm niệu đạo nam
- Tôi suýt làm mù người bệnh
- Biến chứng mắt ở bệnh nhân đái tháo đường, nguyên nhân hàng đầu gây mù
- Tác dụng phụ của thuốc trị viêm gan C mạn tính
- Uống nước chữa được nhiều bệnh tật
- Nước tinh khiết không thật sự tốt cho sức khỏe
- Thuốc chống sốt rét gây tăng sắc tố
- CÔNG NGHỆ NANO BẠC - HỆ THỐNG SIÊU LỌC
- Hệ thống lọc tổng toàn toà nhà